Du học và làm việc ngành Tài chính tại Mỹ
Những môn học điển hình của sinh viên Tài chính tại Mỹ, những bằng cấp về Tài chính phù hợp cho các lộ trình sự nghiệp khác nhau, những lợi thế chỉ có khi học Tài chính tại Mỹ, những đại học là lựa chọn hàng đầu hiện nay, triển vọng công việc và thu nhập, phát triển bản thân cho du học sinh.
Bạn Nguyễn Bình Minh - Sinh viên Cử nhân Tài chính, học bổng $18,000/năm tại Gonzaga University
(Top 83 đại học tại Mỹ, xếp thứ #34 ngành Tài chính)
Học Tài chính không chỉ nhạy bén khi nhận biết khoản đầu tư tốt. Sinh viên còn hưởng một trong những mức lương khởi điểm tốt nhất và thu nhập trọn đời cao nhất so với bất kỳ chuyên ngành nào, và quan trọng nhất là phát triển các kỹ năng nghề nghiệp có thể áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế.
Ngày nay, các sinh viên chuyên ngành tài chính không nhất thiết phải làm việc trong các ngân hàng hoặc công ty đầu tư: bạn có thể làm việc tại các ngân hàng khởi nghiệp hoặc giúp các tổ chức phi lợi nhuận đạt được mục tiêu tài trợ. Bằng cấp Tài chính rất linh hoạt và mang lại lợi nhuận ở bất cứ đâu trên thế giới, điều này làm cho ngành học này trở thành một lựa chọn tuyệt vời cho sinh viên quốc tế.
Nhưng Tài chính là gì? Bạn sẽ học những gì về ngành Tài chính tại các đại học ở Mỹ? Bạn sẽ học những môn học nào và những kỹ năng nào mà bạn sẽ cần để thành công trong ngành này?
I/ Về ngành Tài chính
Sinh viên tài chính học về rủi ro và khoản thưởng, tập trung vào các cá nhân, tập đoàn và tổ chức cũng như cách họ đưa ra các quyết định dựa trên nguồn vốn. Trong trường hợp này, vốn có nghĩa là của cải và có thể ở dạng tiền hoặc tài sản khác, có thể được sử dụng trong tăng trưởng kinh tế.
Một chuyên gia tài chính sử dụng dữ liệu định lượng, thông thạo phần mềm máy tính phức tạp, phân tích thống kê, giải quyết vấn đề sáng tạo và kỹ năng giao tiếp tốt để diễn giải các quyết định đầu tư, trong những tình huống phổ biến - chẳng hạn như:
- Một công ty đang phát triển có nên mua một đối thủ cạnh tranh và sử dụng các nguồn lực của công ty đó, hay tự xây dựng phiên bản sản phẩm của riêng mình?
- Nhà quản lý danh mục đầu tư nên làm thế nào để bảo vệ khách hàng của mình khỏi rủi ro nhưng vẫn duy trì được lợi nhuận khá?
- Chiến lược bồi thường điều hành (executive compensation) nào là tốt nhất cho một công ty?
Các chuyên gia tài chính tạo ra các kế hoạch và chiến lược dài hạn để giúp các công ty phát triển mạnh về mặt tài chính. Theo The College Board, những đề tài và bài tập của sinh viên Tài chính “bao gồm lập kế hoạch, gây quỹ, đầu tư khôn ngoan và kiểm soát chi phí.”
Sinh viên chuyên ngành Tài chính thường học để lấy bằng Cử nhân Khoa học (Bachelor of Science), vì được học các lớp toán cao cấp – nền tảng vững chắc cho sinh viên tài chính. Có rất nhiều chuyên ngành tài chính và chúng thường phù hợp với con đường sự nghiệp chuyên nghiệp trong các lĩnh vực bao gồm Bất động sản, Quản lý rủi ro và Bảo hiểm, cũng như Ngân hàng, Chứng khoán. Mở rộng hơn, tiêu biểu như các chuyên ngành về Tài chính tại Đại học Illinois Chicago (UIC), bao gồm các môn về Tài chính khởi nghiệp, Công nghệ mới nổi và Tài chính năng lượng.
Theo khảo sát First Destination của Hiệp hội các trường đại học và nhà tuyển dụng quốc gia (National Association of Colleges and Employers), sinh viên chuyên ngành tài chính kiếm được khoảng $62,163 sau khi tốt nghiệp, cao hơn 5% so với mức lương trung bình sau khi tốt nghiệp nói chung ($58,862). Tài chính doanh nghiệp và Kế toán doanh nghiệp nằm trong số những chuyên ngành hàng đầu có lợi tức đầu tư (**ROI – Return on Investment) cao nhất và thu nhập trung bình trọn đời dự kiến đạt 4,92 triệu USD. Tại các trường cao đẳng và đại học tại Hoa Kỳ, Tài chính được coi là chuyên ngành thuộc khối kinh doanh, là lĩnh vực phổ biến thứ hai dành cho sinh viên đại học tại ‘cường quốc kinh tế’ này, với tổng số hơn 386,200 sinh viên theo học.
**ROI – Return on Investment: trong giáo dục: là mức thu nhập và lợi ích trọn đời mà một cá nhân kiếm được so với mức đầu tư vào giáo dục trước đó. Mặc dù không thể đong đếm chính xác mức độ đầu tư vào giáo dục – học tập, nhưng ROI vẫn là một chỉ số quan trọng và rất thực tế khi bạn quyết định đầu tư cho ngành học, nhất là với các du học sinh tại Mỹ.
Công nghệ tài chính là gì?
Fintech (Financial Technology), hay Công nghệ Tài chính, là một lĩnh vực đổi mới đột phá có tác động đến các dịch vụ tài chính truyền thống. Các công ty công nghệ tài chính sử dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ như Bảo hiểm, Đầu tư, Tín dụng và Cho vay cũng như Thanh toán, với chỉ một phần nhỏ chi phí so với các cố vấn tài chính và tư vấn viên truyền thống. Fintech bao trùm tất cả mọi thứ từ thanh toán hóa đơn trực tuyến đến phát triển tiền điện tử dựa trên công nghệ blockchain (điển hình như Bitcoin).
Fintech là một ngành học mới nổi, khá non trẻ và vẫn đang phát triển. Cũng vì thế mà Fintech trở thành ngành học và một con đường sự nghiệp thú vị, cả trong nước và quốc tế, đặc biệt là đối với những sinh viên mới tốt nghiệp, muốn phát triển những ý tưởng mới và giải quyết những vấn đề mà tài chính ngày nay gặp phải. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng làm việc trong một công ty khởi nghiệp Fintech đồng nghĩa với nhiều rủi ro hơn: theo một số dự đoán – có tới 90% công ty khởi nghiệp fintech thất bại. Nhưng đồng thời lại mang đến cho bạn vô vàn cơ hội ở rất nhiều dự án đổi mới sáng tạo.
Có rất nhiều dự báo tăng trưởng dành cho ngành fintech và đem lại những lợi ích kinh tế đáng kể trong những năm sắp tới. Theo Dự báo dữ liệu thị trường năm 2023, thị trường fintech châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh nhất, khoảng 81% vào năm 2026.
Các công ty fintech nổi bật trên toàn cầu bao gồm:
- PayPal (Mỹ)
- Paytm (Ấn Độ)
- Tencent (Trung Quốc)
II/ Bằng cấp Tài chính khác với bằng Kế toán như thế nào?
Kế toán và Tài chính đều liên quan đến tiền và đưa ra quyết định dựa trên việc xử lý các con số tài chính.
- Tài chính là nghiên cứu về tiền bạc, hoặc nguồn vốn và cách nó được mua, đầu tư và chi tiêu. Khi so sánh với kế toán, tài chính là một lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn hơn nhiều.
- Kế toán là việc đo lường và ghi lại các giao dịch tài chính của một doanh nghiệp. Nó thường được mô tả như một phần của tài chính hoặc một kỹ năng mà chuyên ngành tài chính cần có. Chẳng hạn, một kế toán viên có thể xem xét các báo cáo tài chính, tờ khai thuế, thu nhập và doanh thu để tổng hợp tình hình tài chính của công ty. Sau đó, một chuyên gia tài chính sẽ sử dụng dữ liệu do kế toán tổng hợp để giúp lập kế hoạch tài chính dài hạn cho một tổ chức.
Tôi nên học chuyên ngành Tài chính hay Kế toán?
Chuyên ngành tài chính và kế toán có khá nhiều kỹ năng giống nhau. Tuy nhiên, kế toán có phạm vi hẹp hơn nhiều so với tài chính. Con đường sự nghiệp cho chuyên ngành kế toán thường bị giới hạn ở các vị trí liên quan đến thuế, kế toán hoặc kiểm soát viên hoặc các vai trò liên quan về tính toán. Các chuyên ngành về Tài chính có nhiều triển vọng việc làm hơn trong các ngành liên quan đến ngân hàng, đầu tư và công nghệ.
Theo Cục Thống kê Lao động (BLS), đến năm 2031, mức tăng trưởng nghề nghiệp dự kiến sẽ đạt trung bình khoảng 6% đối với Kế toán và 9% đối với các nhà phân tích tài chính. Theo PayScale.com, các nhà phân tích tài chính kiếm được khoảng $65,420 sau khi tốt nghiệp đại học, trong khi các kế toán viên kiếm được $55,371. Thu nhập trọn đời của một kế toán viên là khoảng 3,2 triệu đô la, nằm trong mức trung bình chung của Mỹ.
Hoặc bạn có thể học ngành kép bao hàm cả Kế toán và Tài chính, hoặc học chuyên ngành phụ.
III/ Tại sao nên học Tài chính ở Mỹ?
Theo US News and World Report, 8 trong số 10 trường kinh doanh hàng đầu thế giới nằm ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, học Tài chính ở quốc gia này còn bao hàm nhiều điều hơn thế:
Cơ hội trải nghiệm thực tế
Đối với các sinh viên Tài chính thì Phố Wall luôn là điểm đến nổi tiếng nhất. Tuy nhiên, ngoài ra còn có Chicago; Washington DC; và Boston,…cũng có những khu vực Tài chính mang tính toàn cầu. Từ các công ty khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đến sàn giao dịch chứng khoán đến quỹ dự trữ liên bang của nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhiều thành phố ở Hoa Kỳ mang đến các cơ hội nghề nghiệp, các vị trí công việc độc đáo, và đào tạo ứng dụng thực tiễn cho các chuyên ngành tài chính.
- Chẳng hạn, sinh viên tại University of Illinois Chicago - TP Chicago có Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Chicago Mercantile Exchange) và Hội đồng thương mại Chicago (Chicago Mercantile Exchange), chưa kể đến các văn phòng công ty hoặc trụ sở của một số công ty và doanh nghiệp lớn như Archer Daniels Midland, Boeing và hơn 30 công ty trong danh sách Fortune 500.
- Sinh viên tại Trường Kinh doanh Kogod trực thuộc American University ở thủ đô Washington, DC, có thể truy cập thông tin vào Cục Dự trữ Liên bang và Kho bạc Hoa Kỳ, cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
- Thành phố lớn như Boston là trụ sở của các tập đoàn lớn như Fidelity, chưa kể lĩnh vực công nghệ tài chính đang phát triển, có trụ sở ngay bên ngoài Innovation District của thành phố (khu vực quận Đổi mới)
- Kể cả bạn không học tập ở các thành phố lớn ở Mỹ thì những thành phố cỡ trung bình với chi phí sinh hoạt vừa phải, cũng có rất nhiều cơ hội để trải nghiệm nghề nghiệp, trong khi giúp bạn tiết kiệm chi phí hơn so với New York, Boston, Washington DC. Nhiều công ty nổi tiếng nhất thế giới có mối quan hệ với các trường đại học Hoa Kỳ, đặc biệt khi họ có trụ sở/chi nhánh tại cùng bang với trường đại học đó. Ví dụ: Bank of America, Merrill Lynch và Metlife tuyển dụng ngay trong khuôn viên trường Đại học Kansas ở TP. Lawrence, bang Kansas.
Những công cụ và phương tiện tiên tiến
Ngoài các cơ hội tuyển dụng, nhiều trường tự hào về cơ sở vật chất tiên tiến giúp sinh viên ứng dụng kiến thức từ lớp học vào thế giới thực, chẳng hạn như Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Phân tích Giao dịch Thị trường Chứng khoán (SMART) tại Đại học Louisiana State (LSU), Phòng thí nghiệm Thị trường Tài chính tại Đại học Rutgers-Camden, và Phòng Giao dịch tại Đại học Western New England (WNE). Các trung tâm này cung cấp một sàn giao dịch mô phỏng để các sinh viên tài chính và kinh doanh hiểu những gì thực sự diễn ra ở các thị trường tài chính. Sinh viên có quyền truy cập vào phần cứng và phần mềm tài chính mới nhất, chẳng hạn như Bloomberg, FactSet, Morningstar Direct và nhiều chương trình phân tích chuyên nghiệp khác mà các chuyên gia sử dụng.
Tại Đại học South Carolina, sinh viên sử dụng Trung tâm Quản lý rủi ro và Nguy cơ (RUM) để học cách đưa ra các quyết định tài chính tốt hơn khi đối mặt với nhiều rủi ro mà các tập đoàn hiện đại phải đối mặt. Trung tâm RUM giúp sinh viên phát triển các chiến lược để đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn, với sự giúp đỡ của các giáo sư và các đối tác của công ty.
Sinh viên thực hành trong môi trường giao dịch tài chính như thật tại SMART lab - Đại học Lousiana State
Cơ hội kết nối toàn cầu
Hơn 600 công ty lớn nhất thế giới có trụ sở nằm ngoài Hoa Kỳ, theo Forbes Global 2000. Ngoài ra, gần một triệu sinh viên quốc tế hiện đang học tập tại Hoa Kỳ, theo báo cáo 2022 Open Doors. Vì vậy, từ việc hợp tác với các thương hiệu toàn cầu đến các tổ chức sinh viên quốc tế và tài chính trong khuôn viên trường, sinh viên học tập tại Hoa Kỳ có nhiều cơ hội kết nối tại các trường đại học ở bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
IV/ Sinh viên Tài chính tại Mỹ sẽ được học những gì?
Trong số khoảng hai triệu bằng cử nhân được cấp bởi các trường đại học Hoa Kỳ trong năm 2019-2020, có 42,161 bằng tài chính tổng quát, chiếm gần 2%, theo Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia (NCES). Bằng cử nhân chuyên ngành tài chính, từ ngân hàng và các dịch vụ hỗ trợ tài chính đến tài chính quốc tế, đã tăng thêm 1,295 bằng. Theo Báo cáo 2022 Open Doors về Trao đổi Giáo dục Quốc tế, trong số 948,519 sinh viên quốc tế học tập tại Hoa Kỳ trong năm 2021-22, khoảng 15% học kinh doanh và quản lý, bao gồm cả tài chính.
Các chương trình Tài chính tại các trường đại học ở Mỹ có xu hướng tập trung vào khối Ngân hàng thương mại và đầu tư (commercial and investment banking), Tài chính doanh nghiệp (corporate finance) và quản lý tài sản (asset management). Các môn học hoặc chuyên ngành phụ cũng bao gồm các lĩnh vực:
- Tài chính khởi nghiệp (Entrepreneurial finance)
- Tài chính và công nghệ (Finance and technology)
- Kế toán tài chính (Financial accounting)
- Lập kế hoạch tài chính cá nhân (Personal finance planning)
- Quản lý rủi ro và bảo hiểm (Risk management and insurance)
- Bất động sản (Real estate)
Với bằng cử nhân tài chính, sinh viên có được kiến thức và kỹ năng để hiểu và phân tích các báo cáo, báo cáo tài chính, phân tích xu hướng thị trường, hiểu và giảm thiểu rủi ro kinh doanh, đồng thời giúp các nhà quản lý và các cá nhân đưa ra các quyết định kinh tế đúng đắn.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên Tài chính sẽ có thể sử dụng Toán cao cấp, các chương trình tài chính phức tạp và chiến lược phân tích rủi ro để trả lời các loại câu hỏi sau:
- Một cá nhân nên đầu tư vào đâu?
- Liệu lợi tức có xác minh các rủi ro không?
- Tập đoàn có nên theo đuổi dự án hay không?
- Làm thế nào để giảm chi phí?
- Công ty có giá trị bao nhiêu?
- Làm cách nào để sử dụng dự báo dòng tiền, chi phí vốn và giá trị thuần có để lập ngân sách?
- Đâu là cơ hội tiếp theo, dựa trên xu hướng thị trường?
Tham khảo: Lịch trình và phân bổ các môn học của sinh viên Tài chính tại Đại học South Carolina
Năm thứ nhất, học kỳ đầu tiên: 15 giờ
- Đọc phản biện
- Giải tích cho quản trị kinh doanh và khoa học xã hội
- Kiến thức khoa học
- Ngoại ngữ
- Giới thiệu về kế toán tài chính
Năm thứ nhất, học kỳ thứ hai: 15 giờ
- Hùng biện
- Thống kê cơ bản cho doanh nghiệp
- Công dân toàn cầu và hiểu biết đa văn hóa: tư duy lịch sử
- Ngoại ngữ yêu cầu
- Giới thiệu về Tài chính
Năm thứ hai, học kỳ đầu tiên: 17 giờ
- Hùng biện
- Công dân toàn cầu và hiểu biết đa văn hóa: khoa học xã hội
- Thống kê cơ bản cho doanh nghiệp
- Diễn giải
- Ngoại ngữ
Năm thứ hai, học kỳ thứ hai: 18 giờ
- Giới thiệu về kế toán quản trị
- Khảo sát luật thương mại
- Giao tiếp hiệu quả và thuyết phục
- Giá trị, đạo đức và trách nhiệm xã hội
- Sự nghiệp kinh doanh trong nền kinh tế toàn cầu
- Nguyên lí kinh tế Vi mô
Năm thứ ba, học kỳ đầu tiên: 15 giờ
- Giao tiếp chuyên nghiệp
- Nguyên lý kinh tế vĩ mô
- Giới thiệu về Tài chính
- Nguyên tắc quản lý
- Kiến thức về thông tin
Năm thứ ba, học kỳ thứ hai: 15 giờ
- Thống kê kinh doanh và kinh tế
- Quản lý hoạt động
- Nguyên lý Marketing
- Phân tích tài chính doanh nghiệp
- Phân tích đầu tư và quản lý danh mục đầu tư
Năm thứ tư, học kỳ đầu tiên: 15 giờ
- Phân tích dữ liệu cho doanh nghiệp
- Quản lý rủi ro và bảo hiểm
- Quản lý tài chính quốc tế
- Thực tập
- Hệ thống thông tin kinh doanh
Năm thứ tư, học kỳ thứ hai: 15 giờ
- Hệ thống thông tin máy tính trong doanh nghiệp
- Quản lý chiến lược
- Quản lý rủi ro doanh nghiệp
- Đầu tư do sinh viên quản lý
- Phân tích báo cáo tài chính
V/ Sinh viên Tài chính có nên đi Thực tập không?
Thực tập khi còn là sinh viên đại học tại Hoa Kỳ là một ý tưởng hay cho tất cả sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên chuyên ngành Tài chính. Có rất nhiều cơ hội tuyệt vời để thực tập trong lĩnh vực tài chính tại Hoa Kỳ, từ các ngân hàng hàng đầu đến các công ty tư vấn tài chính cá nhân cho đến các công ty khởi nghiệp fintech.
Theo khảo sát từ Viện Giáo dục Quốc tế (Institute of International Education), 78% sinh viên quốc tế chọn du học tại Hoa Kỳ để nâng cao cơ hội nghề nghiệp và tích lũy kinh nghiệm chuyên môn.
Thực tập giúp bạn:
- Xây dựng sơ yếu lý lịch
- Xây dựng mạng lưới trong lĩnh vực học tập của bạn có thể giúp bạn tìm được việc làm
- Cơ hội làm việc chính thức ngay sau kỳ thực tập
VI/ Tôi có nên theo đuổi bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ về tài chính sau khi tốt nghiệp không?
Theo PayScale.com, một sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính với bằng Cử nhân Bachelor of Science có thể mong đợi kiếm được khoảng $72,000/năm, và một sinh viên tốt nghiệp bằng Thạc sĩ – Master of Science nhận được mức lương lên đến $135,000.
Ngoài mức lương cao hơn, xu hướng việc làm trong 5 năm qua cho thấy các nhà tuyển dụng đang ngày càng quan tâm đến các ứng viên có kinh nghiệm chuyên môn hơn, thay vì những người có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA). Vì vậy, bằng MBA chuyên sâu về tài chính cũng là một lựa chọn tốt nếu bạn muốn học lên bậc cao hơn để mở rộng phạm vi nghề nghiệp.
Bằng cấp tài chính cũng rất tốt cho những sinh viên có nguyện vọng làm việc ở nước ngoài. Từ những cơ hội trong các nền kinh tế mới nổi đến làm việc qua lại giữa các trung tâm tài chính lớn nhất trên thế giới, chẳng hạn như New York và London. Ngoài ra, nhiều trường cung cấp các chuyên ngành tài chính quốc tế ở bậc Thạc sĩ. Nhiều trường đại học ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như American University ở thủ đô Washington, DC có các chương trình Tài chính mang tính quốc tế trong các khóa Thạc sĩ.
Certified Financial Planner professional – Chứng nhận Nhà hoạch định tài chính chuyên nghiệp là gì?
Nếu bạn quan tâm đến lộ trình sự nghiệp lâu dài trong lĩnh vực Tài chính, bạn có thể cân nhắc các chương trình Cử nhân có tích hợp chứng chỉ Certified Financial Planner™ (CFP®). CFP® là một bằng cấp được quốc tế công nhận về việc tuân thủ các tiêu chuẩn nghề nghiệp và đạo đức, cập nhật những thay đổi quy định của ngành và cập nhật công nghệ.
Nhiều trường đại học, chẳng hạn như Đại học Utah (tại Salt Lake City, bang Utah), đưa chứng chỉ CFP® vào chương trình học. Với mức phí $925 để làm bài kiểm tra CFP® và từ 18 đến 24 tháng để chuẩn bị thi. Tổng chi phí cả học tập, sách vở, tài liệu,… để luyện thi sẽ mất khoảng $1000, nhưng chi phí này là cực nhỏ so với việc bạn học Thạc sĩ. Certified Financial Planner – hay Các nhà hoạch định tài chính đủ tiêu chuẩn cũng có nhiều cơ hội làm việc và mức thu nhập tuyệt vời, đồng thời được công nhận đã đạt một mức độ nhất định về học thuật và kỹ năng để có triển vọng việc làm vững chắc trong vài năm tới. Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, mức lương trung bình cho các cố vấn tài chính cá nhân là $94,170 đô la, với tốc độ tăng trưởng công việc nhanh hơn 15% so với mức trung bình từ năm 2021-2031.
Tóm lại, học lên bậc cao hơn hay lấy chứng chỉ sẽ phụ thuộc vào định hướng sự nghiệp của bạn trong lĩnh vực Tài chính. Ví dụ: Nếu bạn quyết định rằng bạn muốn áp dụng kiến thức Tài chính của mình vào môi trường kinh doanh rộng lớn hơn thì tấm bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) hoặc bằng cấp Thạc sĩ các chuyên ngành về Tài chính – có thể phù hợp với bạn. Nếu bạn muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực tư vấn tài chính cá nhân, thì học chương trình Cử nhân tích hợp chứng chỉ CFP như ở Đại học Utah có thể là lựa chọn hợp lý và tiết kiệm nhất cả về thời gian học và chi phí học.
VII/ Những cơ hội việc làm với bằng cấp Tài chính?
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 từng khiến nhiều chuyên gia tài chính mất việc làm dấy lên lo ngại. Tuy nhiên qua những năm gần đây và nhiều năm tới, ngành Tài chính đã phục hồi trở lại, với tốc độ tăng trưởng việc làm cao hơn mức trung bình (theo Cục thống kê Lao động – US Bureau of Labor Statistics). Một phần lý do vì ngày nay có nhiều cơ hội việc làm đa dạng hơn cho các chuyên ngành tài chính, so với 15 năm trước. Từ fintech đến lĩnh vực tài chính cá nhân thì dự kiến sẽ tăng trưởng 11% hàng năm từ năm 2020-2027. Đồng thời, cũng do bối cảnh việc làm trong ngành tài chính đã khác nhiều so với vài năm trước, với sự phát triển của công nghệ, cũng như đại dịch covid-19 đã làm thay đổi hoạt động kinh tế-xã hội.
Một số việc làm tiêu biểu cho sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành về Tài chính:
Kế toán
- Mô tả công việc: Thực hiện các tính toán tài chính, chẳng hạn như tạo báo cáo dòng tiền và bán hàng, bảng cân đối kế toán và quản lý bảng lương cho các doanh nghiệp và cá nhân.
- Mức lương trung bình: $55,371, theo PayScale.com (2023)
- Dự báo tăng trưởng: Tăng trưởng 6% (trung bình), theo (Cục thống kê lao động Hoa Kỳ BLS)
Giám định tài chính
- Mô tả công việc: Kiểm tra các giao dịch tài chính để đảm bảo chúng tuân thủ luật pháp và quy định của liên bang và địa phương
- Mức lương trung bình: $75,003, theo PayScale.com (2023)
- Dự báo tăng trưởng: Tăng trưởng 21% (nhanh hơn nhiều so với mức trung bình), theo BLS
Chủ ngân hàng đầu tư
- Mô tả công việc: Huy động vốn cho các cá nhân, tập đoàn và chính phủ từ trong một tổ chức tài chính
- Mức lương trung bình: $117,546, theo PayScale.com (2023)
- Dự báo tăng trưởng: Tăng trưởng 10% (nhanh hơn mức trung bình), theo BLS
Chuyên viên phân tích tài chính cao cấp
- Mô tả công việc: Phân tích dữ liệu kế toán của một tập đoàn để đánh giá rủi ro kinh tế, thống kê và tài chính.
- Mức lương trung bình: $85,627, theo PayScale.com (2023)
- Dự báo tăng trưởng: 9% (nhanh hơn mức trung bình), theo BLS
VIII/ Một số đại học tiêu biểu đào tạo Tài chính rất tốt với chi phí hợp lý
Các đại học danh tiếng, các chương trình học hiện đại, cơ hội mở rộng mạng lưới và trải nghiệm những khu vực tài chính lớn của thế giới, triển vọng thực tập và việc làm đa dạng là một số lý do mà sinh viên quốc tế chọn Mỹ để theo học ngành tài chính. Với nền kinh tế lớn nhất thế giới và mọi tập đoàn toàn cầu lớn đều có mặt tại đây, bên cạnh nhiều đột phá công nghệ đang thúc đẩy fintech và sự đổi mới đang diễn ra ở Mỹ.
Tuy nhiên, trước khi lựa chọn một khóa học về Tài chính, hãy dành thời gian để cân nhắc các lựa chọn của bạn. Cân nhắc chuyên ngành sâu về Tài chính mà bạn muốn học và đảm bảo rằng trường đại học mà bạn chọn và chuyên ngành đó có nhiều cơ hội để bạn học hỏi và tích lũy kinh nghiệm thực tế. Tài chính là một ngành luôn rất HOT với các sinh viên Việt Nam khi đi du học, nhưng đừng chọn Tài chính chỉ vì mức lương cao hay sự ổn định – mà nên cân nhắc những yếu tố như bạn có hạnh phúc với ngành Tài chính hay không? Bạn có muốn làm việc lâu dài trong ngành? Mục tiêu nghề nghiệp của bạn có phù hợp?...
Đại học |
Địa điểm |
Học phí |
Học bổng |
Tempe, bang Arizona |
$32,760/năm |
Lên đến $14,500/năm |
|
TP Spokane, bang Washington |
$55,515/năm |
Lên đến $18,000/năm |
|
TP Saint Louis, bang Missouri |
$49,800/năm |
$10,000 - $60,000 cho 4 năm |
|
Storrs, bang Connecticut |
$38,340/năm |
$5,000 - $15,000/năm |
|
Tuscaloosa, bang Alabama |
$31,460/năm |
Lên đến 100% học phí |
|
TP Dayton, bang Ohio |
$49,300/năm |
Tới $20,000/năm |
|
Tucson, bang Arizona |
$39,600/năm |
$2,000 - $22,000/năm |
|
TP Auburn, bang Alabama |
$35,000/năm |
$10,000 năm đầu |
|
Hempstead, New York |
$52,215/năm |
$13,000 - $15,000-$30,500/năm |
|
Garden City, New York |
$46,526/năm |
Tới $18,000/năm |
|
TP Chicago, bang Illinois |
$34,816/năm |
$12,000/năm |
|
TP Miami, bang Florida |
$23,800năm |
$5,000 cho năm đầu |
|
TP Baton Rouge, bang Louisiana |
$29,500/năm |
$10,000 cho năm đầu |