Thủ tục chứng minh tài chính du học Mỹ - Những điều bạn cần phải biết
Chứng minh tài chính là một phần quan trọng của quá trình xin cấp thị thực du học Mỹ. Trong thực tế, quá trình này chưa bao giờ là dễ dàng. Tuy nhiên, nếu nắm rõ về những thủ tục cần thiết, bạn sẽ có được sự chuẩn bị tốt nhất, nâng cao tỷ lệ thành công khi xin visa.
Chứng minh tài chính du học Mỹ
Chứng minh tài chính xin visa du học Mỹ gồm 2 phần: sổ tiết kiệm và thu nhập hàng tháng của người bảo lãnh tài chính, hoặc của chính đương đơn. Không chỉ vậy, nếu bạn có thêm những tài sản khác thì hồ sơ của các bạn sẽ “đẹp hơn”.
Từng loại visa khác nhau cũng cần chứng minh tài chính khác nhau:
- Visa F-1 (dành cho sinh viên du học toàn thời gian lâu dài): người thực hiện cần cung cấp sổ tiết kiệm ngân hàng chứng minh đủ khả năng chi trả các khoản phí trong một năm du học. Cơ chế này đảm bảo sinh viên không bỏ học giữa chừng học xin visa trái mục đích. Bên cạnh đó, nguồn thu nhập của gia đình phải ở mức ổn định và đủ chi trả các khoản phí đến thời điểm sinh viên tốt nghiệp.
- Visa M-1 (dành cho sinh viên học nghề): người thực hiện cũng cần chứng minh tài chính du học đủ khả năng chi trả trong vòng một năm tại Mỹ.
Lấy một ví dụ cụ thể để hình dung như sau: Nếu chi phí du học Mỹ trong một năm bạn cần là khoảng 30,000 USD (bao gồm học phí và sinh hoạt phí), gia đình bạn phải có sổ tiết kiệm tối thiểu 700 triệu VNĐ. Thu nhập hàng tháng của người bảo lãnh tài chính cho bạn nên ở mức 57 triệu VNĐ/ tháng.
Nguồn tài chính chứng minh tài chính du học Mỹ như thế nào?
Với số tiền trong sổ tiết kiệm: người thực hiện không cần chứng minh nguồn gốc số tiền mà chỉ cần cho thấy nguồn thu nhập này đủ chi trả sinh hoạt phí và học phí cho một năm tại Mỹ. Bạn cũng cần chuẩn bị các câu trả lời hợp lý trong trường hợp các viên chức lãnh sự thắc mắc về nguồn gốc của số tiền đó trong buổi phỏng vấn. Ngoài ra, thời điểm mở cuốn sổ tiết kiệm nên là ít nhất một tháng trước khi đi du học và đương nhiên thời gian mở càng lâu càng có lợi thế. Số dư trong sổ tiết kiệm này phải được duy trì cho đến ngày bạn phỏng vấn xin visa, vì nhiều trường hợp nhân viên đại sứ quán sẽ yêu cầu người xin visa mang sổ tiết kiệm gốc vào ngày phỏng vấn tránh trường hợp vay mượn tiền, chứng minh số dư rồi rút tiền ra ngay.
Về thu nhập hàng tháng: Chính là nguồn thu nhập của ba mẹ hoặc người bảo trợ du học sinh, bao gồm: lương, tiền cho thuê nhà đất, kinh doanh, lãi ngân hàng, góp vốn kinh doanh, cổ tức, trái phiếu,… Với mỗi loại nguồn thu nhập trên, các giấy tờ cần trình cũng khác nhau.
Một bộ hồ sơ tài chính hoàn chỉnh cần những gì?
Một bộ hồ sơ chứng minh tài chính du học Mỹ hoàn chỉnh cần đáp ứng mọi yêu cầu từ phía lãnh sự, bởi vậy các gia đình cần lựa chọn dịch vụ hỗ trợ đáng tin cậy. Bởi không chỉ cung cấp cho bạn bộ hồ sơ chuẩn, những dịch vụ này còn giúp bạn trả lời những câu hỏi thường đến từ phía các viên chức lãnh sự, làm tăng tỉ lệ đỗ visa của người có nhu cầu.
Bộ hồ sơ chứng minh tài chính bao gồm:
- Hộ chiếu bản chính nhưng phải còn hiệu lực trên 6 tháng kể từ ngày được cấp Visa
- Giấy xác nhận mẫu đơn DS – 160
- Ảnh chụp chân dung
- Lịch hẹn phỏng vấn
- Sổ hộ khẩu (bản chính)
- Giấy chứng nhận sở hữu các tài sản khác như xe cộ, cổ phiếu, trái phiếu (nếu có)
- Bảng điểm học bạ và giấy xác nhận của nhà trường.
- Bản gốc sổ tiết kiệm trong ngân hàng hoặc giấy xác nhận số dư của ngân hàng
- Chứng Minh Nhân Dân (bản chính)
- Giấy chứng nhận sở hữu nhà đất (nếu có)
Trường hợp người bảo trợ là nhân viên làm công ăn lương
- Hợp đồng lao động trên 3 năm ghi rõ chức vụ, chế độ làm việc, hình thức lương, thời hạn hợp đồng, tiền thưởng, quyền lợi, phụ lục hợp đồng về việc tăng lương (nếu có).
- Tờ khai chi tiết nộp thuế thu nhập cá nhân
- Xác nhận đóng bảo hiểm xã hội
Trường hợp hộ kinh doanh cá thể (như trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán nhỏ…)
- Giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc xác nhận kinh doanh của địa phương
- Thuế môn bài, thuế khoán hoặc thuế tháng
- Tờ khai giải trình thu nhập
Trường hợp chủ công ty, doanh nghiệp
- Giấy phép kinh doanh, công ty thành lập trước 3 năm
- Giấy chứng nhận mã số thuế
- Báo cáo tài chính 3 năm gần nhất, báo cáo thuế thu nhập doanh nghiệp
- Bản khai chi tiết thuế thu nhập cá nhân
- Các giấy tờ chứng minh công ty hoạt động đúng chức năng, như hợp đồng giao dịch, hóa đơn, phiếu thu nộp tiền cho kho bạc nhà nước. Các giấy tờ góp vốn, cổ phần, chia lợi tức.
Mặc dù sổ tiết kiệm không bắt buộc chứng minh nguồn gốc nhưng bạn nên chuẩn bị câu trả lời hợp lý khi nhân viên lãnh sự quán hỏi về nguồn gốc của số tiền trong sổ tiết kiệm trong buổi phỏng vấn visa du học Mỹ và đảm bảo số tiền trong đó duy trì đến thời điểm phỏng vấn Visa.
Vì sao tự chứng minh tài chính du học Mỹ lại khó khăn đến thế?
Nếu đang trong quá trình chuẩn bị chứng minh tài chính, các bạn cũng cần biết về trở ngại khi thực hiện công việc này. Thường ở các quốc gia phát triển nói chung và Mỹ nói riêng, các khoản thu nhập đều được minh chứng và quản lý rõ ràng thông qua hệ thống ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, cơ chế này hoàn toàn khác biệt khi áp dụng với Việt Nam, không phải người dân nào cũng tự chứng minh nguồn tài chính một cách minh bạch. Điển hình nhất là khi số thu nhập trên giấy tờ không khớp với nguồn thu thực tế.
Chính vì nguyên nhân này, quá trình chứng minh tài chính du học Mỹ ít nhiều gây khó khăn cho các bạn trẻ và gia đình, đồng nghĩa với việc giảm tỉ lệ đậu visa du học. Để hạn chế những trở ngại trên, lời khuyên của Dream World là các bạn cần cẩn thận trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, hoặc tìm lời khuyên từ những người đi trước hay các bên có kinh nghiệm. Dựa vào tình hình thực tế của từng người, du học Dream World cũng có thể tư vấn kỹ hơn cho các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm. Nếu cần hãy liên hệ với chúng mình ngay hôm nay để nhận hỗ trợ nhé.
Trên đây là những thông tin cơ bản về chứng minh tài chính du học Mỹ, hi vọng nó sẽ giúp ích cho bạn trong việc chuẩn bị hồ sơ du học sắp tới. Bên cạnh đó, để được tư vấn và hỗ trợ các thủ tục, hồ sơ khi du học Mỹ, bạn hãy liên hệ ngay với Du học Dream World nhé.