TỔNG QUAN ĐẤT NƯỚC HÀ LAN

Tên chính thức:           Hà Lan

Thủ đô:                         Amsterdam

Dân số:                          ~ 16,6 triệu người

Diện tích:                      41,848 km2

Đơn vị tiền tệ:               Euro (EUR)

Ngôn ngữ chính:          Tiếng Hà Lan và tiếng Anh

Các thành phố lớn:      Amsterdam, Rotterdam

1/ Khí hậu – Tự nhiên

Đất nước Hà Lan nằm ở phía Tây Bắc của châu Âu, giáp với 2 quốc gia lớn là Đức và Bỉ. Nơi đây có đường bờ biển dài xinh đẹp, những thành phố, làng quê thơ mộng và trù phú. Là một quốc gia có địa hình bằng phẳng, thiên nhiên Hà Lan chủ yếu là những thảo nguyên xanh hút tầm mắt, những cánh đồng hoa xen với những chiếc cối xay gió đặc trưng, yên bình và đẹp như tranh vẽ.

Khí hậu – Tự nhiên – Đất nước Hà Lan.

Là một trong những quốc gia nằm thấp nhất so với mực nước biển trên thế giới, do đó quốc gia này mang khí hậu đại dương ôn hòa với thời tiết vô cùng dễ chịu. Nhiệt độ trung bình vào mùa hè khoảng 12°C – 17°C, mùa đông khoảng từ 3°C – 6°C – tuy thấp hơn so với Việt Nam khá nhiều, nhưng thực tế thời tiết không quá lạnh hay rét buốt với 4 mùa thiên nhiên tươi đẹp.

Vào mùa xuân từ tháng 3 tới tháng 6, các bạn sinh viên sẽ thấy choáng ngợp với những cánh đồng bạt ngàn hoa đua sắc, đặc biệt là tuylip – loài hoa biểu trưng của quốc gia này. Tới mùa hè, thời tiết Hà Lan khá ấm áp, là thời điểm tuyệt vời của các lễ hội, các cuộc diễu hành,…cờ hoa rực rỡ – nơi các bạn sẽ tận hưởng những giờ phút vô cùng vui vẻ, nhảy theo điệu nhạc hay uống cạn những cốc bia cùng người bản xứ.

Các điệu nhảy trong mùa lễ hội tại Hà Lan.

Mùa thu tại Hà Lan bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 12 với sự thay sắc của thiên nhiên, khung cảnh rực rỡ sắc màu từ đỏ, vàng, xanh, nâu và rồi kết thúc khi cây bắt đầu rụng lá. Đây chính là thời điểm tuyệt vời để các bạn sinh viên du ngoạn, tham gia các hoạt động ngoài trời trong những ánh nắng ấm áp. Và cuối cùng là những con kênh biến thành đường băng kỳ thú vào mùa đông hay những giây phút nhâm nhi cốc chocolate nóng – đồ uống yêu thích của người Hà Lan. Quả thật, đến với Hà Lan, các bạn sinh viên mới thật sự cảm nhận được thế nào là một trong những quốc gia đáng sống nhất trên thế giới.

2/ Kinh tế – Xã hội

Hiện tại, Hà Lan là quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 16 trên thế giới với kim ngạch thương mại khoảng 1,100 tỉ USD. Điểm nổi bật của nền kinh tế Hà Lan là nền công nghiệp phát triển ổn định, tỉ lệ thất nghiệp và làm phạm luôn ở mức thấp và là cửa ngõ thông thương quan trọng của Châu Âu.

Nằm hướng ra biển với những hải cảng lớn, đồng thời là cửa khẩu của 3 con sông lớn tại Tây Âu, giữa các cường quốc kinh tế: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan đã tận dụng lợi thế địa lý để phát triển các ngành dịch vụ hàng hải, công nghiệp chế biến, hóa dầu, thương mại giao thương,… Chính bởi vậy, sinh viên quốc tế thường tới đây để học về các ngành kinh doanh, thương mại, logistics, hóa dầu, dịch vụ...

Về xã hội, Hà Lan có một nền xã hội vô cùng ổn định, đời sống cao và tỉ lệ tội phạm luôn ở mức thấp. Con người nơi đây có cuộc sống sung túc, quan tâm cao tới đời sống tinh thần với chỉ số phát triển con người HDI đạt tới 95.8% – đứng thứ 6 thế giới. Đến với Hà Lan, các bạn sinh viên sẽ quen với hình ảnh những người già thảnh thơi ngồi ngoài vườn đọc sách, những nhân viên tươi cười trong các cửa hàng nhỏ xinh,… – tất cả mọi người đều thư thái, thân thiện và chân thành. Tuy có tiếng nói riêng của mình, nhưng 90% người Hà Lan đều thông thạo tiếng Anh nên các bạn không cần lo lắng chút nào về vấn đề giao tiếp nhé.

Đặc biệt, người dân Hà Lan luôn hướng tới việc bảo vệ môi trường, cũng bởi vậy mà xe đạp là phương tiện giao thông được yêu thích tại nơi đây. Được mệnh danh là “quốc gia xe đạp”, các bạn sinh viên khi tới đây đều thích thú khi thấy xe đạp ở bất cứ nơi đâu; và các bạn có thể đạp xe qua các ngóc ngách nhỏ, thậm chí qua cả sân nhà người khác để tới trường. Cũng bởi quan tâm tới môi trường như vậy nên Hà Lan luôn giữ được cho mình một bầu không khí trong lành, xanh và sạch.

3/ Giáo dục – Đào tạo

Nền giáo dục Hà Lan nổi tiếng hàng đầu Châu Âu bởi phương pháp học dựa trên việc phân tích và giải quyết các vấn đề thực tiễn một cách độc lập, thay vì chỉ học lý thuyết chung chung. Các giờ học trên lớp khá hạn chế, thay vào đó là giờ tự học, làm việc theo nhóm,…nhằm tạo cho sinh viên thói quen tự quản lý thời gian, hiệu quả công việc, tinh thần trách nhiệm và kĩ năng làm việc nhóm. Chính nhờ đó mà chương trình học ở quốc gia này luôn nhấn mạnh ý thức tự giác, khả năng tự học, giúp sinh viên nắm được bề rộng, sâu của lý thuyết cũng như phương pháp làm việc một cách sáng tạo, độc lập.

Chương trình học bằng tiếng Anh vô cùng phổ biến tại Hà Lan, được đưa vào chương trình giáo dục chính quy; chính nhờ đó mà gần như toàn bộ người dân Hà Lan đều thông thạo tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2. Đến với Hà Lan, các bạn sinh viên vẫn sẽ thoải mái lựa chọn những khóa học bằng tiếng Anh với học phí chỉ khoảng 7,000 – 10,000 Euro – thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia nói tiếng Anh như Anh, Úc, Mỹ, Canada,…

Bên cạnh đó, Hà Lan có quy định về chất lượng giáo dục quốc gia và cam kết chất lượng của các trường đại học, giúp cho tất cả các trường tại các khu vực đều có chất lượng tương đương nhau. Do đó, các bạn sinh viên không cần lo lắng về nơi học tập mà chỉ cần quan tâm tới chương trình học mà thôi.

4/ Đời sống sinh viên

Một số đặc điểm chính mà sinh viên cần quan tâm khi du học Hà Lan có thể kể tới:

  • ☞ Loại hình nhà ở: Tại Hà Lan, các bạn sinh viên có thể ở kí túc xá hoặc thuê phòng trọ ở ngoài. Hình thức ở homestay không phổ biến tại quốc gia này. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của các bạn du học sinh, sinh viên nên ở kí túc xá trong trường trong thời gian đầu bởi việc tìm được phòng trọ phù hợp không phải điều dễ dàng cho sinh viên mới đặt chân tới đây.
  • ☞ Chi phí sinh hoạt: Sinh viên quốc tế du học Hà Lan sẽ cần khoảng 600 -800 EUR/ tháng cho toàn bộ chi phí sinh hoạt, tùy thuộc vào nơi sinh sống và mức chi tiêu.
  • ☞ Phương tiện đi lại: Sinh viên có thể sử dụng các phương tiện công cộng như xe bus, tàu lửa, xe điện… Tuy nhiên, như đã nói ở trên, phương tiện phổ biến nhất là xe đạp. Các bạn sinh viên có thể dễ dàng mua được những chiếc xe đạp cũ với giá rẻ, nhưng nhớ phải khóa chúng cẩn thận bởi nạn mất trộm xe đạp không phải hiếm tại quốc gia này.
  • ☞ Cơ hội việc làm: Học tập tại Hà Lan, sinh viên quốc tế sẽ được đi làm thêm 10h/tuần với nhiều cơ hội việc làm tại nhà hàng, khách sạn, cửa hiệu,…thậm chí ngay trong trường. Tuy nhiên, các bạn sinh viên cần có một vốn tiếng Hà Lan nhất định để có thể dễ xin việc.

✪ Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp Đại học/ Sau Đại học, du học sinh quốc tế sẽ được phép xin gia hạn Visa ở lại 1 năm để tìm việc làm lấy kinh nghiệm tại quốc gia này. Đây là một trong những chính sách hỗ trợ sinh viên hiếm có tại các quốc gia Châu Âu.

HỆ THỐNG GIÁO DỤC HÀ LAN

1/ Tiểu học

Kéo dài 7 – 8 năm (từ 4/5 đến 12 tuổi).

Chương trình Tiểu học tại Hà Lan được bắt đầu sớm hơn so với các quốc gia khác, có thể kéo dài 8 năm, bắt đầu với học sinh từ 4 tuổi. Tuy nhiên, độ tuổi bắt buộc để bắt đầu đi học của trẻ em Hà Lan là từ 5 tuổi và với những em đi học từ độ tuổi này, chương trình Tiểu học sẽ kéo dài 7 năm tới khi các em đạt tuổi 12.

Chương trình Tiểu học tại Hà Lan sẽ kéo dài 7 năm tới khi các em đạt tuổi 12.

2/ Trung học

Kéo dài từ 4 – 6 năm (từ 12 – 18 tuổi)

Chương trình Trung học tại Hà Lan được chia làm 3 chương trình với độ dài năm học khác nhau:

  1. Chương trình Dự bị Học nghề ‘vmbo’: kéo dài 4 năm, đào tạo kiến thức phổ thông và kiến thức nghề, chuẩn bị cho học sinh muốn học các khóa/trường dạy nghề sau khi tốt nghiệp
  2. Chương trình Phổ thông ‘havo’: kéo dài 5 năm, là chương trình đào tạo phổ thông chính quy. Sau khi tốt nghiệp, học sinh có thể đăng ký học tại các trường dạy nghề hoặc các trường Đại học Khoa học Ứng dụng.
  3. Chương trình Dự bị Đại học ‘vwo’: kéo dài 6 năm, là chương trình đào tạo nhằm chuẩn bị cho khóa Cử nhân. Sau khi tốt nghiệp, học sinh có thể đăng ký học vào các trường Đại học Nghiên cứu hoặc Đại học Khoa học Ứng dụng.

Dù học chương trình nào thì ban đầu, các em đều học những môn giống nhau như: tiếng Hà Lan, tiếng Anh, tiếng Pháp, Đức, Toán cơ bản, Toán học ứng dụng, Kinh tế, Kinh tế doanh nghiệp, Địa lý, lịch sử, Lý, Hoá, Sinh…Trong đó có một số môn học về ngôn ngữ là không bắt buộc, các em có thể hoàn toàn tự nguyện chọn môn học sao cho phù hợp với khả năng, nguyện vọng và sở thích của mình.

Tại 2 năm cuối của chương trình ‘havo’ và 3 năm cuối của ‘vwo’, học sinh sẽ chọn học chuyên sâu về 1 trong 4 nhóm ngành chính:

  1. Khoa học và Công nghệ.
  2. Khoa học Sức khỏe.
  3. Kinh tế học và Xã hội.
  4. Văn hóa và Xã hội.

Chính nhờ việc phân cấp và học chuyên sâu vào nhóm ngành như vậy mà học sinh tại Hà Lan được trang bị kiến thức vô cùng thiết thực cho định hướng riêng của các em ngay từ nhỏ.

3/ Đại học/ Sau Đại học tại Hà Lan

Chương trình Đại học/ Sau Đại học tại Hà Lan được đào tạo bởi 3 phân loại trường:

 

Cấp học Đại học nghiên cứu Đại học Khoa học Ứng dụng Viện giáo dục Quốc tế
Đại học 3 năm (180 tín chỉ) 4 năm (240 tín chỉ) Không đào tạo
Cao học 1 – 3 năm
(90 – 180 tín chỉ)
1-2 năm

 

(60 – 120 tín chỉ)

1 – 2 năm

 

(60 – 120 tín chỉ)

Tiến sĩ 4 năm

 

2 năm (chương trình sandwich)

Không đào tạo 4 năm

 

2 năm (chương trình sandwich)

 

Chương trình Đại học/ Sau Đại học tại Hà Lan.

Hiện tại, Hà Lan đang có 14 trường Đại học Nghiên cứu, 41 trường Đại học Khoa học Ứng dụng.

Trong đó, các trường Đại học Nghiên cứu thường có xu hướng đào tạo thiên về nghiên cứu chuyên sâu với đòi hỏi khó hơn. Ngược lại, trường Đại học Khoa học Ứng dụng có chương trình học mang tính thực tiễn cao hơn, được nhiều sinh viên quốc tế lựa chọn và tuyển sinh có phần dễ dàng hơn. Hiện tại, gần như các trường Đại học Nghiên cứu tại Hà Lan không nhận trực tiếp học sinh Việt Nam mà đòi hỏi các em phải học 1 khóa Dự bị 1 năm hoặc hoàn thành 1 năm tại trường Đại học Ứng dụng rồi mới được chuyển tiếp sang.

Các sinh viên tốt nghiệp chương trình Dự bị Đại học ‘vwo’ của Hà Lan khi học tại trường Đại học Ứng dụng có thể chuyển tiếp lên thẳng năm 2, hoàn thành khóa Cử nhân trong vòng 3 năm.

Chương trình Cử nhân và Thạc sĩ tại Hà Lan có rất nhiều ngành học được đào tạo 100% bằng tiếng Anh; nổi bật là các ngành Kinh tế, Logistics, Dịch vụ, Công nghệ Thông tin và Tài chính.

Nhìn chung, Đại học Nghiên cứu vẫn là lựa chọn lý tưởng nhất cho sinh viên Việt Nam du học Hà Lan.

CHÍNH SÁCH VISA HÀ LAN

 

1/ Các loại giấy tờ cần thiết / Để Du học Hà Lan, học sinh cần có:

  1. Entry Visa (Regular Provisional Residence Permit – MVV).
  2. Residence Permit (VVR).

Hai loại giấy tờ này sẽ được xin cùng lúc. Quy trình xin được gọi là Access to Residence Procedure (TEV). Trong đó, nhà trường sẽ hỗ trợ sinh viên gửi hồ sư lên Cục Nhập cư và Quốc tịch Hà Lan (IDN) để xin VVR từ Hà Lan. Sau đó, sinh viên sẽ xin MVV tại Việt Nam. Theo đó, để xin được Visa Du học Hà Lan, sinh viên sẽ cần thực hiện 2 việc:

1.1/ Quy trình TEV để xin VVR

+ Lệ phí: €307.

+ Thời gian xét: tối đa 90 ngày.

+ Thời hạn VVR: toàn bộ khóa học + 3 tháng (không quá 5 năm).

Với học sinh học khóa Dự bị, VVR sẽ theo hình thức có điều kiện – sẽ tiếp tục có hiệu lực nếu học sinh tốt nghiệp thành công khóa Dự bị và học lên chương trình Cử nhân.

Học sinh quốc tế không thể tự thực hiện quy trình TEV mà phải cần sự hỗ trợ từ nhà trường. Các trường tại Hà Lan sẽ giúp sinh viên gửi hồ sơ lên IDN để xin VVR. Để đủ điều kiện về tài chính cho việc xin VVR, sinh viên cần phải chuyển trước 1 khoản tiền tương đương với sinh hoạt phí 1 năm (~ 8,000€) vào tài khoản của trường.

Thông tin về VVR sẽ được thông báo cho sinh viên sau khi IDN có quyết định. Tuy nhiên, VVR sẽ không được gửi về Việt Nam mà sẽ được cấp khi sinh viên sang tới Hà Lan.

1.2/ Quy trình xin Visa MVV tại Việt Nam

Lệ phí: 1,410,000 VNĐ (60€) + phí dịch vụ.

Thời gian xét: 15 – 60 ngày (thông thường là 15 ngày).

Quy trình: Sau khi đã nhận được quyết định của IDN về VVR, sinh viên sẽ cần đặt lịch hẹn để nộp các loại phí cấp và hồ sơ xin Visa tạm thời (MVV). MVV có thời hạn trong vòng 3 tháng. Do đó, sinh viên sẽ cần sắp xếp bay sang Hà Lan trong thời gian 3 tháng kể từ ngày lấy được MVV.

 

 

2/ Một số lưu ý khi xin Visa du học Hà Lan

  • a/ Cơ hội việc làm

Hiện tại, chính phủ Hà Lan cho phép sinh viên quốc tế trên 18 tuổi đi làm thêm 10h/tuần trong suốt thời gian học. Tuy nhiên, để dễ dàng xin được việc làm, các bạn sinh viên cần chuẩn bị cho mình một chút vốn tiếng Hà Lan giao tiếp. Thực tế, việc học tiếng Hà Lan không hề khó nếu bạn cố gắng và tập trung.

Bên cạnh đó, sau khi tốt nghiệp, sinh viên cũng sẽ được phép xin gia hạn Visa ở lại 1 năm làm việc lấy kinh nghiệm; thậm chí hơn thế nếu sinh viên xin được việc làm ổn định.

  • b/ Điều kiện ngoại ngữ

Chính phủ Hà Lan không đòi hỏi ngoại ngữ khi xét Visa mà hoàn toàn dựa vào ý kiến của nhà trường. Tuy nhiên, để được các trường tại Hà Lan nhận vào học thì các bạn sinh viên sẽ cần một vốn tiếng Anh nhất định. Cụ thể:

+ Khóa Dự bị Đại học: yêu cầu IELTS 5.0 – 5.5

+ Khóa Cử nhân: yêu cầu IELTS 6.0

+ Khóa Thạc sĩ: yêu cầu IELTS 6.5

Bên cạnh đó, một số trường/ngành học sẽ yêu cầu thêm chứng chỉ GMAT đối với sinh viên đăng ký khóa Thạc sĩ.

  • c/ Bảo hiểm y tế

Sau khi tới Hà Lan, sinh viên sẽ được yêu cầu khám sức khỏe (TB test) và trong vòng 4 tháng kể từ ngày đặt chân tới quốc gia này, sinh viên sẽ phải mua Bảo hiểm Y tế. Đây là điều kiện bắt buộc của sinh viên quốc tế tại bất cứ quốc gia nào. Việc có bảo hiểm cũng sẽ giúp cho sinh viên tiết kiệm rất nhiều chi phí bởi việc khám, chữa bệnh tại nước ngoài khá đắt đỏ.